Thúc đẩy hợp tác về xuất khẩu lao động giữa Việt Nam -Hungary
Chiều 13/4/2022, tại
Trụ sở Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã có buổi
tiếp Ngài Ory Csaba, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hungary tại Việt Nam. Tại buổi
tiếp, hai bên đã trao đổi cởi mở trong hợp tác về xuất khẩu lao động, giáo dục
nghề nghiệp nhằm khai thác tối đa tiềm năng hợp tác xứng tầm với nhu cầu và lợi
ích của cả hai nước.
Phát biểu tại buổi
tiếp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cảm ơn và đánh giá cao Ngài Đại sứ tới thăm và
làm việc với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và cho rằng hai bên
có nhiều tiềm năng trong hợp tác về xuất khẩu lao động (XKLĐ), giáo dục nghề
nghiệp. Sau thời gian bị gián đoạn do dịch Covid-19, giờ đây cánh cửa đã mở cho
cả hai bên.
Bộ
trưởng Đào Ngọc Dung (bên phải) và Ngài Ory Csaba (bên trái), Đại sứ đặc mệnh
toàn quyền Hungary tại Việt Nam trao đổi tại buổi tiếp
Bộ trưởng Đào Ngọc
Dung khẳng định: Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác tốt đẹp, truyền
thống lâu đời với Hungary. Luôn xác định Hungary là đối tác quan trọng trong
lĩnh vực lao động và xã hội ở châu Âu. Trong giai đoạn 2019-2022, các doanh
nghiệp Việt Nam đã tổ chức đưa được 1.042 lao động đi làm việc tại Hungary
trong các ngành nghề nông nghiệp, chế biến thực phẩm, xây dựng, sản xuất công
nghiệp, thợ hàn, đầu bếp.
Cảm ơn Bộ trưởng Đào
Ngọc Dung đã dành thời gian tiếp đón, Ngài Đại sứ Hungary tại Việt Nam đã thông
tin tới Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về 4 lĩnh vực mà nước này đang có nhu cầu lớn
tuyển dụng lao động nước ngoài, gồm: Công nghiệp ô tô; điều dưỡng viên; dịch vụ
khách sạn, nhà hàng; xây dựng.
“Hiện cũng đã có một
số lao động Việt Nam sang làm việc tại Hungary thông qua các công ty XKLĐ của
Việt Nam hợp tác với các công ty môi giới của Hungary. Tuy nhiên, bên cạnh
những lao động có tay nghề, ý thức lao động tốt, chăm chỉ, được các nhà sử dụng
lao động Hungary rất hài lòng thì vẫn còn những lao động được đưa sang với mục
đích chưa rõ ràng, phải qua nhiều trung gian, môi giới với chi phí cao nên đã
nảy sinh một số vấn đề, trong đó có việc bỏ trốn ra ngoài” - Đại sứ Hungary
chia sẻ.
Toàn
cảnh buổi tiếp
Trên cơ sở ngoại giao
tốt đẹp giữa Việt Nam và Hungary, cũng như nhu cầu tiếp nhận lao động nước
ngoài của Hungary, đồng thời để thiết lập một khuôn khổ hợp tác chính thức,
Ngài Đại sứ cho rằng thời điểm này đã đủ điều kiện để hai nước ký kết một thỏa
thuận hợp tác (MOU) về XKLĐ, nhất là khi Hungary vừa hoàn thành bầu cử Quốc hội
và sẽ thành lập Chính phủ mới vào tháng 5 tới.
Bên cạnh đó, Ngài Đại
sứ cũng nêu lên một số câu hỏi với Bộ trưởng về các vấn đề cấp phép cho công ty
XKLĐ, việc kiểm soát các công ty XKLĐ có số lượng lao động bỏ trốn như thế nào
để có thể thu hồi giấy phép? Vấn đề đào tạo và nâng cao chất lượng lao động
trước khi đưa lao động sang Hungary sau khi hai nước ký kết hợp tác v.v…
Đáp lời Ngài Đại sứ,
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã chia sẻ về Định hướng phát triển của Việt Nam trong
10 năm tới và các năm tiếp theo... “Trong bối cảnh đó, GDNN được coi là một
trong ba nhiệm vụ đột phá chiến lược với sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp
nhân lực có kỹ năng cho lực lượng lao động Việt Nam, góp phần tăng năng suất
lao động, thúc đẩy tăng trưởng GDP, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”.
Theo Bộ trưởng, sau
đại dịch Covid - 19, Việt Nam cũng đang thiếu hụt lao động nhưng sự thiếu hụt
đó chỉ là tạm thời trong thời gian ngắn. Về tổng thể Việt Nam đang dư thừa lực
lượng lao động trẻ. Các nhà đầu tư lớn đang rất cần nhân lực nhưng họ đòi hỏi
phải có ngay nhân lực chất lượng cao nhưng quá trình chuẩn bị Việt Nam chưa
theo kịp nên việc thiếu hụt chỉ là tạm thời. Do đó, trong thời gian tới Việt
Nam rất quan tâm tới giáo dục đào tạo, đặc biệt là giáo dục nghề nghiệp, trong
đó sẽ chuyển hướng đào tạo theo đặt hàng đầu ra với hướng mở, linh hoạt. Thay
hoàn toàn cách đào tạo như trước đây là trường có thế mạnh gì thì đào tạo cái
đó.
Bộ
trưởng Đào Ngọc Dung và Đại sứ Ory Csaba chụp ảnh lưu niệm
Liên quan đến các vấn
đề Ngài Đại sứ đưa ra về việc thúc đẩy đưa lao động Việt Nam sang Hungary trong
thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện Việt Nam đã ký Bản MOU
với một số nước khu vực châu Âu như Đức, Rumani, Séc, Bungari… “Với các quốc
gia khác nhau thì bản MOU sẽ khác nhau. Có quốc gia, hai bên sẽ ký bản MOU toàn
diện trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề như Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng có quốc
gia bản MOU chỉ ký 1 đến 2 lĩnh vực như bản MOU ký với Đức về điều dưỡng viên
và ngành có tính chất công nghệ cao như ô tô. Như vậy, với Hungary, nếu Hungary
cần lao động trong lĩnh vực nào thì bản MOU nên tập trung ưu tiên vào lĩnh vực
đó” – Bộ trưởng nêu vấn đề.
Nếu hai bên đi đến
thống nhất ký thỏa thuận hợp tác, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cần lựa chọn
những công ty XKLĐ và công ty môi giới lao động có uy tín của hai nước để kiểm
soát rủi ro. Đồng thời, lựa chọn những ngành nghề mà Hungary có nhu cầu để đào
tạo ngay tại Việt Nam trước, có thể đào tạo tại cơ sở GDNN hoặc doanh nghiệp,
có sự tham gia của Hungary, khi nào đảm bảo đủ điều kiện mới được xuất cảnh.
“Hiện Việt Nam đang
hợp tác rất hiệu quả với CHLB Đức trong việc đào tạo y tá và điều dưỡng viên
trước khi đưa sang nước bạn. Trong đó, các cơ sở thụ hưởng lao động của CHLB
Đức cung cấp nguồn lực cho Trung tâm Lao động ngoài nước của Bộ để tuyển chọn,
đào tạo trước” – Bộ trưởng dẫn chứng.
Bộ trưởng Đào Ngọc
Dung cũng thông tin với Ngài Đại sứ cả 4 ngành nghề mà Hungary đang có nhu cầu
lao động lớn hiện đang được các cơ sở GDNN của Việt Nam đào tạo theo chương
trình chuyển giao từ CHLB Đức, học sinh học xong được cấp 2 bằng của Việt Nam
và của Đức. Bộ trưởng bày tỏ mong muốn phía Hungary tham gia vào quá trình đào
tạo nghề theo hướng: doanh nghiệp của bạn đưa ra yêu cầu, đặt hàng và cùng liên
kết với các trường nghề của Việt Nam để cùng đào tạo trước khi có thể xuất cảnh
sang Hungary.
Cuối buổi tiếp, hai
bên nhất trí về việc ký kết một bản thỏa thuận hợp tác về XKLĐ giữa hai nước,
đồng thời giao các cơ quan chuyên môn của hai bên phối hợp, trao đổi chặt chẽ để
chuẩn bị các nội dung, nếu thuận lợi sẽ ký kết ngay trong năm 2022.